Bài thuốc trị chứng ngoại cảm phong hàn

Biểu hiện: Bệnh nhân tự cảm thấy lạnh trong vị, luôn luôn có cảm giác như có cục nước đá trong vị, lạnh đau, trướng đầy, buồn nôn và thường nôn ra nước trong. Khi gặp lạnh thì đau tăng, khi gặp ấm thì giảm đau, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng trơn, mạch huyền hoặc trì.

Nguyên nhân là do vị dương bất túc, hàn tà quá thịnh; trong vị có hàn ngưng khí trệ, vị mất đi sự hòa giáng, phần nhiều do hàn tà xâm nhập vị, hoặc do ăn uống không điều độ, ăn thức ăn sống lạnh, hoặc dùng quá nhiều thuốc hàn lạnh. Tùy từng trường hợp mà dùng bài thuốc điều trị như sau:

Bệnh nhân có chứng ngoại cảm phong hàn: đau bụng, sốt rét, đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy.

Phép trị: Ôn trung giải biểu.

Bài thuốc Hoắc hương chính khí tán: hoắc hương 16g, tử tô 12g, bạch chỉ 12g, đại phúc bì 12g, phục linh 12g, bạch truật (sao) 12g, trần bì 8g, bán hạ (chế) 8g, hậu phác 8g, cát cánh 12g, cam thảo (chích) 6g, sinh khương 12g, đại táo 12g. Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói.

Do hàn quá thịnh bệnh nhân đột ngột đau giữ dội, cự án, vùng thượng vị cảm thấy giá lạnh. Gặp lạnh thì đau tăng, gặp ấm thì giảm đau.

Phép trị: Ôn vị tán hàn giảm đau.

Bài thuốc Lương phụ hoàn: Cao lương khương 40g, hương phụ 40g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày trước khi ăn. Uống khi thuốc còn ấm.

Người bệnh nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau vùng vị quản, nhưng nhẹ hơn, sôi bụng và đau chung quanh rốn.

Phép trị: Ôn trung tán hàn, chỉ tả.

Bài thuốc Hậu phác ôn trung thang: hậu phác 12g, quất bì 12g, chích thảo 6g, can khương 4g, nhục đậu khấu 8g, phục linh 12g, mộc hương 6g, sinh khương 6g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, trước khi ăn, uống khi thuốc còn ấm.
TTND. BS. Nguyễn Xuân Hướng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *